Buổi trưa kinh hoàng
Lương Phi tuy chỉ có một chân nhưng có thể đá bóng,ộtchânsảibướcgiúpđờem về cùng ngày nắng đá cầu, leo cầu thang gần như một người bình thường, một phần vì Phi đã làm quen với hoạt động một chân từ năm 3 tuổi và phần lớn nhờ ý chí vươn lên, ý thức tự lập của Phi.
Lương Phi sinh năm 1990 ở thôn Xuyên Đông 2 (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Phi kể, năm 3 tuổi vào một buổi trưa Phi đang cùng mẹ ngủ trong nhà thì bị một người đàn ông mắc bệnh tâm thần xông vào nhà chém bằng dao. Lúc đó Phi đang gác chân trái lên chõng tre và bị ông ta chém lìa chân, còn mẹ Phi bị chém vào đầu, khi đó mẹ Phi đang mang bầu bé út. Ông ta chạy ra sân thì đúng lúc chị gái Phi đi chơi về và cũng bị chém vào chân gần đứt lìa, may mắn sau đó bệnh viện đã nối lại được.
Người đàn ông sau đó bị bắt nhưng không kết tội được vì ông ta bị tâm thần, vài năm sau ông ta chết trong bệnh viện tâm thần.
Buổi trưa kinh hoàng không chỉ cướp đi một phần cơ thể của Phi mà còn để lại nỗi ám ảnh tinh thần. Phi cứ chợp mắt lại là hoảng sợ, chẳng dám ngủ sâu. Gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai người cha già, cuộc sống gia đình luôn trong cảnh khó khăn, túng quẫn.
Học hết phổ thông, Phi theo học ngành công nghệ thông tin tại một trường trung cấp tại Đà Nẵng. Phi tốt nghiệp loại giỏi và được một mạnh thường quân tài trợ để mở một phòng thu. Trong suốt hơn 2 năm đi làm, Phi thường đi chân giả mà không chống nạng như ở nhà. Đặc biệt, Phi đi tất cả ngày, không bao giờ tháo, để che đi chiếc chân giả. Mọi người xung quanh dù tò mò thế nào Phi cũng cố “đánh trống lảng” sang vấn đề khác. Với Phi lúc đó một chân là thiệt thòi, một chân là tự tin và Phi chưa đủ tự tin để đối mặt với sự thật đó. “Mình không dám chụp ảnh và đăng hình lên Facebook vì sợ mọi người biết mình chỉ có một chân. Lúc đó mình ngại lắm, sợ người ta bàn ra tán vào”, Phi tâm sự.
Kênh YouTube cho người nghèo
Năm 2018, Phi quyết định bỏ thành phố trở về quê sinh sống. Phi biết rằng, đây là một sự lựa chọn mạo hiểm, bởi tuy là người khuyết tật nhưng Phi vẫn là trụ cột của gia đình, là chỗ dựa của bố mẹ già, vợ và hai con thơ.
Phi chọn làm kênh YouTube để có thu nhập, tuy nhiên sau khi làm xong video đầu tiên, Phi vẫn rất lưỡng lự giữa “đăng hay không đăng”. “Sau khi mình làm clip mình cũng suy nghĩ rất nhiều có nên đăng hay không. Đăng lên ai cũng sẽ biết mình chỉ có một chân, hơn nữa sẽ có người nói mình làm màu”, Phi tâm sự.
Sau nhiều đêm suy nghĩ và nhận thêm sự động viên của vợ, Phi đã quyết định đăng video lên YouTube và thành lập kênh “Phi Một Chân Vlogs”. Tuy nhiên do còn thiếu kinh nghiệm, video của Phi chưa thu hút được người xem. Suốt hơn một năm ròng, Phi đăng gần trăm video nhưng không tạo ra được sức hút, trái lại còn lỗ thêm tiền đầu tư trang thiết bị ghi hình, đi thực tế..., nên nhiều lần Phi đã tính bỏ cuộc.
Chị Nguyễn Thế Nguyên Thu, vợ anh Phi chia sẻ: Thấy anh làm kênh YouTube cũng chỉ biết cổ vũ và động viên anh vì tôi cũng không biết giúp gì cả. Thời gian đầu rất khó khăn, về sau anh đổi chủ đề, cách làm thì dần thu hút được người xem.
Bốn chủ đề chính mà Phi lựa chọn thực hiện gồm nghị lực sống, ẩm thực, biểu diễn kỹ năng đặc biệt và giúp đỡ người nghèo, người mắc bệnh nan y. “Qua những video Phi làm để đăng lên Facebook, mình cũng muốn giúp đỡ những người khó khăn, kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ họ, truyền cảm hứng để họ vượt lên số phận của người khuyết tật”, Phi cho biết.
Làm kênh YouTube mang lại cho Phi thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải cho một gia đình lớn 6 người. Ngoài ra, công việc làm YouTuber giúp Phi vượt qua số phận, không còn cảm thấy mặc cảm và rất tự tin khi giao tiếp với mọi người. Mỗi video của Phi đều kèm theo một thông điệp về tình người, san sẻ yêu thương và cảm hứng vươn lên số phận từ các tấm gương khuyết tật.
Trường hợp mà Phi nhớ và ám ảnh nhất khi thực hiện video là của chị Phạm Thị Thu Huyền, 43 tuổi, ở xã Tam Vinh (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) mắc bệnh ung thư vú đã 6 năm. Khi Phi đến thăm nhà chị Huyền thì chị đã rất yếu và đang phải thở oxy. Bên cạnh chị có chồng và 3 con gái đang chăm sóc. Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Phi đã kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ chị 15 triệu đồng để chữa bệnh nhưng khi vừa trao tiền cho chồng chị xong thì các đầu ngón tay của chị Huyền tím ngắt. Anh chồng kiểm tra thì mới biết chị vừa qua đời. Số tiền ủng hộ chị chữa bệnh bỗng trở thành tiền mai táng khiến cho cộng đồng mạng xem video không cầm nước mắt.
Từ năm 2018 đến nay, Lương Phi đã kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ được gần 500 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo và gần 1.000 người có hoàn cảnh khó khăn (mỗi người từ 10 – 20 triệu đồng), tổng kinh phí lên đến khoảng 10 tỉ đồng, góp phần giúp bà con nghèo vượt qua bệnh tật, ổn định cuộc sống.
Hằng ngày, Phi rời khỏi nhà cùng đôi nạng gỗ và chiếc xe máy cũ kỹ để tìm đến những hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ họ. Đến nay, Phi đã làm được hơn 1.000 video, kênh YouTube Phi Một Chân Vlogs có hơn 70.000 lượt đăng ký, fanpage Phi Một Chân có 246.000 lượt theo dõi và có những video đã hơn 1 triệu lượt xem.
Phụng dưỡng người dưng như cha mẹ
Không chỉ tạo ra những video triệu view, lan tỏa yêu thương, kết nối giúp đỡ người nghèo mà chính Phi hằng ngày cũng đang trực tiếp phụng dưỡng rất nhiều cụ già neo đơn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Hằng tháng, Phi trích một phần tiền thu nhập có được từ YouTube để giúp đỡ nhiều cụ già neo đơn, bệnh tật tại Quảng Nam.
Ông Lương A, bố của Phi chia sẻ: "Phi nó không giàu vật chất nhưng nó giàu nghị lực và tình cảm. Từ bé đã phải chịu thiệt thòi nhưng đã tìm cách vươn lên, giờ lại hay kêu gọi nhà hảo tâm từ trong nước đến ngoài nước hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn, gia đình rất mừng...".
Cứ vào những ngày cuối tuần hoặc rảnh rỗi, Phi lại đến nhà các cụ già neo đơn để dọn dẹp, nấu cơm, chăm sóc các cụ như bậc sinh thành. Như trường hợp của cụ Lưu Thị Hội đã gần 90 tuổi, ở xã Điện Phong (huyện Điện Bàn) mắt không thấy gì nhưng chỉ cần nghe tiếng bước chân đặc trưng từ ngõ là cụ biết Phi ghé thăm.
Cụ Hội bảo: "Hiếm có ai tốt tính như Phi. Tuy tôi chẳng thấy rõ mặt nó nhưng cứ ít hôm nó lại ghé thăm, khi thì tặng tiền, khi tặng quà rồi còn thường xuyên mua thịt cá nấu cơm cho tôi ăn, lúc nào ốm đau thì Phi lại đến đưa đi bệnh viện".
Chị Phạm Thị Thanh, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam nhận xét: "Lương Phi là tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam. Phi đã khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của thanh niên đối với xã hội, là tấm gương cho những thanh niên khác, đặc biệt là thanh niên khuyết tật, vươn lên trong cuộc sống.
Một số giải thưởng Lương Phi đã nhận: giải thưởng Tỏa sáng Nghị lực Việt 2020 và giải thưởng Thanh niên Sống đẹp 2021 do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2022.